Hướng dẫn phân biệt và chọn một số dòng cườm
Với những khách hàng đã quen sử dụng hạt cườm thì việc chọn cườm không khó khăn, tuy nhiên với khách mới mà đến shop có đến mấy trăm màu cườm như BIPBI thì hẳn sẽ "hoang mang" không biết phải chọn loại nào.
Trong bài viết này, BIPBI sẽ hướng dẫn các bạn cách phân biệt và sử dụng một số dòng cườm phổ biến, thứ tự sắp xếp theo độ bền màu. Hy vọng sau khi đọc bài viết, các bạn sẽ dễ dàng chọn đúng loại mình cần.
Cườm đục (opaque): dòng cườm đục này có màu đục từ trong ra ngoài, có thể rất bóng hoặc hơi bóng. Dòng cườm này thường bị nhầm với nhựa hoặc sứ, nhưng bạn yên tâm, chúng vẫn làm cườm (glass seed bead). Dòng cườm này có màu sắc nổi bật, rõ ràng nên thường được dùng làm cây bonsai, kết hoa trên quần áo, túi xách, giày dép... Nhược điểm của dòng này là không có độ lấp lánh.
Cườm ngọc trai (ceylon): dòng cườm ceylon là dòng cườm hơi đục, có màu bóng như phủ một lớp ngọc trai. Màu ceylon rất bền màu, có độ sáng vừa phải nên có thể dùng đính lên trang phục, cũng có thể dùng làm trang sức hoặc nhiều đồ handmade khác. Nói chung, dòng này có thể sử dụng trong hầu hết các ứng dụng cần hạt cườm. Nhược điểm của dòng cườm này là màu sắc không đa dạng.
Cườm trong (transparent color): dòng cườm trong này có màu trong suốt, trong phủ bóng và màu trong phủ xà cừ. Với dòng trong suốt và trong phủ bóng, màu sắc khá bền màu, riêng với màu phủ xà cừ, lớp xà cừ có thể mất nếu tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ hoặc hóa chất. Dòng cườm này thường được dùng nhiều trong lĩnh vực trang sức và thời trang. Một số sản phẩm như đèn hay rèm handmade cũng có thể dùng bởi cườm trong có độ bắt sáng cao.
Cườm màu kim loại (iris): cườm có các màu ánh kim như xanh than, nâu đồng, vàng, bạc... dòng cườm này có độ bền màu cao, thường được sử dụng làm trang sức và đặc biệt để đính trên giày dép và túi xách. Riêng 2 màu vàng và bạc, dòng này có giá rất cao. Một số hãng cho ra các sản phẩm được xi vàng thật nên giá cực cao.
Cườm mờ (matt): dòng cườm mờ là dòng cườm có giá cao nhất, mặc dù nó kén chọn người dùng nhất. Dòng cườm mờ thường có màu đục, một số dòng cao cấp có phủ xà cừ rất dễ thương. Cườm mờ thường được dùng làm trang sức hoặc một số sản phẩm handmade trên vải. Độ bền màu rất cao, khó có thể biến đổi màu.
Cườm lõi bạc (silverline): cườm lõi bạc silvrline là màu cườm được sử dụng nhiều nhất, có giá thành cao nhất, mặc dù nó không phải là dòng bền màu nhất. Một trong những điểm nổi bật của dòng cườm này là màu sắc rất đẹp, độ sáng cao. Cườm silverline hay được dùng làm trang sức và đính lên váy cưới, váy dạ hội... tạo độ lấp lánh nhất định cho sản phẩm.
Cườm lõi trong (inside color): dòng cườm lõi trong có độ bắt sáng cao, màu sắc tươi, rõ rệt. Tuy nhiên dòng cườm này kém bền, bởi cườm lõi trong có màu trong lõi, phía ngoài trong suốt. Nếu tiếp xúc lâu dài với hóa chất, lớp lõi bên trong có thể bị bay màu để lại một màu cườm trong suốt. Dòng cườm này thường được sử dụng làm rèm, đèn handmade, một số ít được sử dụng làm trang sức. Nếu bạn dùng loại này làm trang sức thì nên hạn chế dùng nước.
Cườm nhuộm màu (dyed) và cườm phủ màu (baking): hai dòng cườm này khá giống nhau, cườm của Trung Quốc hay sử dụng khái niệm nhuộm màu còn cườm Tiệp sử dụng khái niệm phủ màu. Ưu điểm của dòng cườm này là tạo ra những màu sắc đặc biệt không có ở các dòng cườm khác. Tuy nhiên nhược điểm là không bền. Với cườm nhuộm màu, khi gặp nước hoặc mồ hôi, màu nhuộm của cườm sẽ phai ra. Cườm phủ màu của Tiệp cũng dễ dàng bay màu khi tiếp xúc với mồ hôi hoặc hóa chất, tuy nhiên màu của sản phẩm sẽ không bị thôi ra. Với dòng cườm này, chỉ nên sử dụng làm các sản phẩm handmade trang trí như làm hoa, làm cây bonsai...